(ANTV) - “Tại sao tôi không thể đi học lại?” có lẽ là câu hỏi mà những đứa trẻ di cư luôn mong muốn được trả lời và đáp ứng nguyện vọng tới trường. Giáo dục, đối với bất cứ đứa trẻ nào cũng là chìa khóa cho một tương lai thành công. Song thực tế là có tới hàng triệu trẻ em tị nạn trong độ tuổi đến trường trên thế giới không được học hành chính quy. Rào cản về ngôn ngữ, ít trường học và nếu có, nhiều gia đình cũng không có tiền trả học phí là những hạn chế khiến số trẻ em tị nạn không được học tập ngày càng tăng cao. Có rất nhiều những câu chuyện cảm động, những nỗ lực dù nhỏ dù lớn để giúp đỡ những trẻ em tị nạn được tiếp cận với giáo dục.
Em Meryem, một trẻ tị nạn, chia sẻ: “Cháu hy vọng sẽ được sớm rời khỏi trại tị nạn và được đi học với các bạn.” Trong khi mong ước này vẫn chưa thành hiện thực, cô bé Meryem, 10 tuổi, đang trở thành cô giáo của nhiều em nhỏ trong trại tị nạn Syria.
Chiến tranh và loạn lạc đã đẩy những trẻ em tị nạn vào tình cảnh mất gia đình và mất đi những quyền lợi cơ bản, đặc biệt là quyền được nhận sự giáo dục. UNICEF đang làm việc với chính phủ các quốc gia tiếp nhận trẻ em và gia đình tị nạn để giúp tăng cường khả năng tiếp cận nền học tập có chất lượng.
Chị Anastasia Shershnyova, một phụ huynh học sinh, chia sẻ: “Hôm nay tôi vừa đưa con gái tới đây nhập học. Trước đây tôi đã gửi con ở một số trường mẫu giáo của Cộng hòa Séc. Chuyển tới đây, tôi muốn con được học với những người bạn có cùng quốc tịch, cùng hoàn cảnh.” Chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những giọt nước mắt lạ lẫm khi bắt đầu chuyển tới một ngôi trường mới, nhưng từ những ngôi trường dành cho trẻ tị nạn như thế này, các công dân tương lai sẽ sớm trưởng thành và tìm thấy con đường đi riêng cho mình.
Bà Oksana Breslavska, người sáng lập Quỹ vì trẻ em tị nạn Ukraine tại Cộng hòa Séc, cho biết: “Đây là trường mẫu giáo đầu tiên dành cho những người tị nạn Ukraine tại Praha, Cộng hòa Séc. Và chúng tôi đã nhận 25 trẻ em Ukraine từ 2 đến 6 tuổi.”
Chi phí giáo dục đang trở thành gánh nặng với những gia đình tị nạn. Phần lớn những gia đình này rất khó khăn trong việc tìm kế sinh nhai. Khi họ đang phải vật lộn với cơm áo, gạo, tiền thì vấn đề giáo dục luôn bị xếp lại phía sau. Một người tị nạn chia sẻ: “Chúng tôi đã phải chuyển 4 ngôi trường trong vòng 1 năm qua vì lý do liên tục bị chuyển chỗ tìm việc làm.” Một người khác nói: “Hai ngày trước khi năm học mới bắt đầu chúng tôi phải gói ghém đồ đạc và ra khỏi nơi đang ở.”
New York hiện đang chăm sóc cho gần 60.000 người tị nạn. Hơn 200 cơ sở đã được trưng dụng làm nơi cư trú cho những người này bao gồm nhiều khách sạn, tòa nhà, văn phòng. Chính quyền tại đây cũng đã đưa ra chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em tị nạn. Đại diện chính quyền New York, Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng giúp trẻ em tị nạn sớm nâng cao khả năng ngôn ngữ để có thể tham gia vào chương trình giáo dục của chính phủ.”
Giáo dục là cách để trẻ em hồi phục. Trường học mang lại cho người tị nạn cơ hội thứ hai. Tuy nhiên, số người đến gần với cơ hội này còn quá ít. Do đó, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức giáo dục và các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sáng kiến mới để tăng cường giáo dục trung học cho người tị nạn.
Ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, nhấn mạnh: "Trường học là nơi đầu tiên trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, trẻ tị nạn có thể lấy lại cảm giác bình thường. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra và thiếu các khoản đầu tư khẩn cấp vào giáo dục cho người tị nạn, chúng ta phải chịu chi phí cho một thế hệ thanh niên lớn lên mà không thể tự chăm sóc bản thân, tìm việc làm hoặc đóng góp đầy đủ cho cộng đồng của họ.”
Anh Mohammad Zein, Chủ tịch của Tổ chức Syrian Social Gathering, chia sẻ: “Chúng tôi lên danh sách những người tị nạn Syria, thăm họ thường xuyên, thu thập dữ liệu và giới thiệu các dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng để giúp đỡ các gia đình nghèo và đảm bảo rằng con cái của họ có thể tiếp cận với giáo dục.”
Mặc dù các quốc gia từng cam kết tạo điều kiện để khoảng 500.000 trẻ em tị nạn được đi học, song Cao ủy về người tị nạn vẫn kêu gọi các quốc gia tiếp nhận người tị nạn, tạo điều kiện hơn nữa để trẻ em được đến trường.
Giáo dục cả trẻ em gái và trẻ em trai là con đường tốt nhất để dẫn đến những thành công lâu dài cho một quốc gia. Nếu tất cả những người trẻ tuổi đều được giáo dục, cùng nhau hy vọng thì các em chính là những người có thể xây dựng lại đất nước mà chúng đã bắt buộc phải bỏ lại phía sau.
(ANTV) - Tháng 4 đã đến, và một trong những sự kiện trọng đại nhất được người dân cả nước mong chờ đó chính là Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày này, hình ảnh các lực lượng tập luyện diễu binh, diễu hành đang được cộng đồng mạng tích cực chia sẻ trên các nền tảng với nhiều lời gửi gắm và những háo hức đón chờ ngày đại lễ.
(ANTV) - Đoàn cứu nạn bộ công an đã tìm thấy 7 nạn nhân mất tích; Khởi tố 10 đối tượng trong đường dây sản xuất trái phép ma túy quy mô lớn; Nam Định: Bắt đối tượng mua bán trái phép chất ma túy ... là tin tức nổi bật 24h qua.
(ANTV) - Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Mỹ Smithsonian vừa công bố một viên kim cương đỏ quý hiếm, thu hút đông đảo người dân tới chiêm ngưỡng.
(ANTV) - Theo dõi vị trí của mặt trời trên bầu trời, điểm chuông bằng âm thanh của những chiếc búa gõ vào bốn chiếc cồng thu nhỏ, thậm chí còn cho người đeo biết khi 12 chòm sao Hoàng đạo sẽ xuất hiện. Chiếc đồng hồ mới nhất của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Vacheron Constantin không chỉ tích hợp hàng loạt tính năng mới lạ – mà nó còn chính thức là chiếc đồng hồ đeo tay cơ khí phức tạp nhất từng được sản xuất.
(ANTV) - Hình ảnh những chiếc xe limousine, xe hợp đồng đã rất quen thuộc trên các tuyến đường trung tâm thành phố như Hà Nội. Đón tận nơi, trả tận chỗ, loại hình xe hợp đồng trá hình này hoạt động ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
(ANTV) - Những ngày gần đây, các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc viêm não mô cầu, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt khi thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
(ANTV) - Đã 6 ngày từ khi đoàn công tác của Công an Việt Nam nhận nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trong trận động đất tại nước bạn Myanma, tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 nạn nhân được những CBCS Công an Việt Nam tìm thấy và cứu giúp. Để có thể thực hiện nhiệm vụ cũng như thao tác cứu nạn được nhanh chóng, kịp thời, ngoài kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn của mỗi cán bộ chiến sĩ thì sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cũng đóng góp không nhỏ.
(ANTV) - Từ việc bắt giữ đối tượng bán ma túy cho các con nghiện. Công an TP.HCM đã thu thập các manh mối, lần ra đường dây mua bán, vận chuyển ma túy cực lớn từ Campuchia về Việt Nam. Lần lượt các đối tượng trong đường dây đã bị phát hiện và bắt giữ.
(ANTV) - Công an tỉnh Bắc Giang vừa phá một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng. Với hình thức kêu gọi khách hàng tham gia đầu tư ngoại hối trên một số sàn giao dịch, sau đó, hướng dẫn khách hàng đặt lệnh bị thua dẫn đến cháy tài khoản, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhiều bị hại trong cả nước.
(ANTV) - Công an xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa giải cứu thành công một cháu bé học lớp 2 ngủ quên trên ngọn cây xoài cao khoảng 6m.