Thứ Sáu, 20/09/2024 08:08 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Cần minh bạch trong chọn sách giáo khoa

(ANTV) - Hiện tại là thời điểm các trường phổ thông chạy nước rút trong lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới 2024-2025. Làm sao để bảo đảm tính công bằng, quyền lựa chọn của giáo viên một cách thực chất, cũng như bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản... vẫn gây nhiều băn khoăn.

Một tiết học thử nghiệm sách giáo khoa mới cấp Trung học cơ sở ở huyện Ba Vì (Hà Nội).

Năm học 2024-2025 là năm học "hoàn chỉnh" sách giáo khoa theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018. Thời điểm này, các nhà xuất bản cũng đã giới thiệu sách giáo khoa mới cuối các cấp: lớp 5, lớp 9 và lớp 12 cho năm học mới tới hầu hết giáo viên, trường học. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên, giáo viên được "trả lại" quyền lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Nhìn lại lộ trình: Thay sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2020-2021 - năm học đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao các trường chủ động lựa chọn sách để dạy học. Sang đến năm học 2021-2022, quyền này được giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố với không ít hệ lụy, bất cập như báo chí đã phản ánh. Nhằm kịp thời điều chỉnh những điểm bất hợp lý, từ năm học tới, quyền lựa chọn sách lại thuộc về giáo viên và nhà trường.

Theo đó, mỗi trường học sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, toàn bộ giáo viên các môn học được tham gia.

Ở nội dung này, ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết, trong các đợt giới thiệu sách giáo khoa, đơn vị đã lưu ý những nội dung, nguyên tắc cơ bản để chọn sách. Đó là bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và điều kiện dạy, học của từng trường.

Điểm đặc biệt, năm học 2024-2025 là năm cuối trong lộ trình thực hiện chương trình đổi mới đối với các khối lớp cuối cấp ở cả ba bậc học. Năm nay, giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn sách để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến nay, thành phố đã hoàn thành việc giới thiệu sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9 và lớp 12 cho hơn 55.000 cán bộ, giáo viên. Đây là đội ngũ dự kiến sẽ dạy các lớp cuối cấp trong năm học tới. Ở nhiều địa phương khác, công tác giới thiệu sách giáo khoa mới cũng đã và đang được thực hiện theo quy định.

Nhìn lại thực trạng đã diễn ra ở những năm học trước, tại nhiều tỉnh, thành phố, vì các lý do khác nhau, cả tỉnh/thành phố chỉ chọn một quyển sách của một bộ cho mỗi môn học, thậm chí chỉ chọn một bộ sách của một nhà xuất bản cho hầu hết các môn học. Trong khi trên thị trường đang có tới ba bộ sách của các nhà xuất bản, đơn vị ấn hành được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Theo nhận định của các chuyên gia, đây là việc làm không đúng với tinh thần "có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học" tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thực trạng này như báo chí đã phản ánh, từng xảy ra ở các địa phương: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Kạn, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi,…

Tại Thủ đô Hà Nội, một số giáo viên dạy tiểu học thắc mắc: Năm học trước (2022-2023), sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã không được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào danh mục giới thiệu lựa chọn trên địa bàn. Trong khi trước đó học sinh lớp 1 đã được học bộ sách này. Việc "bỏ cách" như vậy đã khiến nhiều giáo viên lớp 2, lớp 3 lúng túng.

Một số chuyên gia giáo dục phân tích, nếu chỉ lựa chọn một bộ sách giáo khoa để giảng dạy sẽ hạn chế sự lựa chọn của giáo viên và người học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong khi theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, việc sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau trong quá trình học, sẽ làm phong phú tài liệu dạy và học cho giáo viên và học sinh, vì ngữ liệu có thể khác nhau nhưng đều dựa vào khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Điều này còn giúp các học sinh khi chuyển vùng, chuyển địa phương không bị bỡ ngỡ đối với các loại sách.

Một trong những điểm mới quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT là các quy định nhằm hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa, với ba nguyên tắc, hai tiêu chí gồm:

Thứ nhất, lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa. Thứ ba, việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Hai tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa gồm: Phù hợp đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy-học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (tỉnh Quảng Trị) bày tỏ lo ngại: "Nếu địa phương chỉ chọn một bộ sách giáo khoa hay chỉ chọn mỗi môn học một cuốn sách của một bộ thì sẽ quay lại tình trạng độc quyền sách giáo khoa như trước". Để thực hiện tốt các quy định mới, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cả người dạy và người học, thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, giám sát những địa phương, đơn vị có dấu hiệu lựa chọn sách giáo khoa thiếu dân chủ, áp đặt, định hướng giáo viên, đi ngược lại quy định trong Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT.

Theo báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Cảnh giác trước chiêu trò thao túng thị trường chứng khoán

Cảnh giác trước chiêu trò thao túng thị trường chứng khoán

Kinh tế 20/09/2024

(ANTV) - Tạo cung - cầu giả, đẩy giá tăng hoặc giảm đột ngột để lừa nhà đầu tư là một trong những cách thao túng thị trường chứng khoán. Thao túng thị trường chứng khoán là một trong những hành vi gian lận có tính toán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và bị pháp luật nghiêm cấm. Thời gian gần đây, vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Do đó, các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng.

Hiến máu cứu người – trao đời sự sống

Hiến máu cứu người – trao đời sự sống

Xã hội 20/09/2024

(ANTV) - Trong những ngày vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tục tiếp nhận cũng như hỗ trợ từ xa cho các cơ sở y tế trong việc cấp cứu cho bệnh nhân gặp tai nạn do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Và một trong những vấn đề cấp bách là nguồn máu cần truyền khẩn cấp cho người bệnh. Ngay trong ngày hôm qua, khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát đi thông báo về việc cần máu và tiểu cầu thì Học viện Cảnh sát nhân dân đã huy động CBCS đáp ứng đủ số lượng, kịp thời điều trị cho bệnh nhân.

Bắt giữ đối tượng lừa “chạy án” chiếm đoạt tài sản

Bắt giữ đối tượng lừa “chạy án” chiếm đoạt tài sản

Pháp luật 20/09/2024

(ANTV) - Nhận gần 300 triệu đồng và hứa sẽ “chạy tại ngoại” cho người nhà nạn nhân nhưng sau đó đã không thực hiện lời hứa mà chiếm đoạt tiền. Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng Chu Minh Quang (trú tại TP HCM) để điều tra làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lũ lụt đe dọa nhiều nước Trung và Đông Nam Âu

Lũ lụt đe dọa nhiều nước Trung và Đông Nam Âu

Thế giới 20/09/2024

(ANTV) - Bão Boris đã hoành hành tại khu vực Trung và Đông Nam Âu trong tuần qua, gây ra lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn 2 thập kỷ qua ở nhiều nước. Nhiều vùng rộng lớn tại Áo, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã ghi nhận lượng mưa lớn bất thường. Mưa lũ đã khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và gây nhiều thiệt hại về vật chất.

Tái hiện không gian Hà Nội xưa qua dự án chuyến tàu điện số 6

Tái hiện không gian Hà Nội xưa qua dự án chuyến tàu điện số 6

Văn hóa 20/09/2024

(ANTV) - Dự án "Tuyến tàu điện số 6" được đặt tên dựa trên ý tưởng về một tuyến tàu điện tiếp của hệ thống 5 tuyến tàu điện mặt đất của Hà Nội xưa, đã ngừng hoạt động từ năm 1991. Đây là một phần ký ức không thể quên của nhiều người dân Thủ đô. Nằm tại khu vực phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, dự án này còn tái hiện nhiều giai đoạn lịch sử của TP Hà Nội với những nét riêng đặc trưng về văn hóa, ẩm thực.

Liban cấm mang máy nhắn tin và bộ đàm lên máy bay

Liban cấm mang máy nhắn tin và bộ đàm lên máy bay

Thế giới 20/09/2024

(ANTV) - Chính quyền Liban đã thông báo cấm các máy nhắn tin và bộ đàm trên các chuyến bay từ sân bay thủ đô Beirut, sau khi hàng nghìn thiết bị kiểu này phát nổ trong các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào phong trào Hồi giáo Hezbollah xảy ra trong hơn 2 ngày qua.

Xem thêm