Thứ Sáu, 20/09/2024 07:38 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Khoảng trống pháp lý trong quản lý vận tải

BT

(ANTV) - Những cuộn thép, vài chục tấn cày xới đường xá, băm nát phương tiện của người dân. Những chiếc xe hợp đồng nhưng lại chạy tuyến cố định thách thức quy hoạch luồng tuyến vận tải tại các thành phố lớn. Những khoảng trống về pháp lý do thiếu các quy định chặt chẽ trong luật đang gây nhiều khó khăn cho lực lượng thực thi.

Câu chuyện về những cuộn thép rơi khi được chở trên những chiếc xe ô tô tại Hà Nội và Thái Nguyên đã hâm nóng dư luận cũng như trên các diễn đàn mạng xã hội thời gian vừa qua.

Quá lo lắng sau khi xem những đoạn clip. Nhiều người có tâm còn sẵn sàng hiến kế cho các tài xế, cách làm thế nào để chở 1 cuộn thép an toàn, ví như ta nên dựng đứng cuộn thép lên thay vì để nó dễ có cơ hội bon bon chạy trên đường. Rồi thì chằng như thế nào, buộc ra làm sao.

Thế nhưng, lo lắng sau khi xem clip 1 phần thì chắc hẳn nhiều người sẽ còn giật mình hơn nữa khi mà cho đến thời điểm hiện tại chả có 1 quy định rõ ràng nào về việc đảm bảo an toàn khi vận chuyển những loại hàng hóa siêu nặng, siêu nguy hiểm và cũng chả có 1 trường lớp nào đào tạo các tài xế về việc phải làm sao để chằng buộc hàng hóa an toàn.

Anh Nguyễn Khả Hợp, Lái xe đầu kéo cho biết: "Cái rơ mooc hàng mooc trần này thì ở Việt Nam mình cũng chưa thấy có trường lớp nào đào tạo. Chủ yếu là các lái xe tự cảm thấy làm sao để chèn cho chắc chắn nhất thôi. Chứ còn nói mà để có trường lớp mà học hỏi thì thực tế mà nói thì mình cũng chưa thấy trường hợp nào được đào tạo cả."

Anh Đinh Hùng Hải, Lái xe đầu kéo cho biết: "Dùng dây xích để chẳng néo lại hết để không bị bọn. Cái xích thì mình tăng cho hết mức đi. Rồi mình cảm thấy nó thật chặt thì đi thôi. Cái này thì không có cái gì có thể đo được cả. Mình cảm thấy chắc chắn an toàn cho mình thì mình đi thôi."

Tính mạng, tài sản của những người tham gia giao thông. Tất cả chỉ phụ thuộc ở cảm quan của mỗi tài xế, còn những sự vụ thì cứ thi thoảng lại xảy ra,dư luận lại được phen lên án kịch liệt để rồi dần dần lại lắng xuống và cũng chẳng có 1 quy định cụ thể nào được sinh ra.

Thiếu tá Chu Đức Thủy, Đội trưởng đội CSGT và Trật tự, Công an huyện Thạch Thất, tp Hà Nội cho biết: Sau khi xe xuất ra trả hàng để đưa về Thạch Thất này thì những cái dây xích đó chúng tôi cũng không được kiểm định, trong cái luật không cho, không có quy định kiểm định nào cả. Không như máy móc, hay phương tiện, có kiểm định, hay có dữ liệu đảm bảo hay không? Thì do vậy, những xích đó cũng là xích tự chế, dằng buộc lại tôi thấy chỉ 1 2 vòng là không đảm bảo với 1 cuộn tôn 10 20 tấn. Nên phải có 1 quy chuẩn nhất định khi đưa lên xe công thì phải có khóa, có khung giữ chặt được, đảm bảo tính toán được độ lắc và độ phanh gấp của xe. Để đảm bảo với tốc độ 40 hay 60 km/h thì những cuộn tôn đó có phá được khung ra hay không. Thì cái đó chúng ta phải có chế tài.

Dự báo các huống có thể xảy ra để đưa ra các quy định quản lý sát sườn, có vẻ là hơi khó khi mà xã hội liên tục vận động, các loại hình vận tải mới được sinh ra.

Và đó là câu chuyện về những chiếc xe. Xe hợp đồng. Dù ai cũng biết những chiếc xe này hoạt động như thế nào. Thế nhưng, các tài xế thì cứ 1 mực khẳng định xe này không kinh doanh vận tải khách.

Anh Am Mạnh Hùng, Lái xe limousin cho biết: "Cái này thì mình không nắm được, mình mua xe chủ yếu là chở người trong gia đình, mình không đi kinh doanh nên không biết."

Với 1 câu trả lời đơn giản, chiếc xe đã thoát khỏi tất cả các quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải hành khách. Và dù có dừng đón trả khách dọc đường đi chăng nữa thì mức phạt cũng chỉ có vài trăm nghìn. Chẳng trách vì sao hoạt động này lại ngang nhiên đến như vậy.

Trung úy Nguyễn Hữu Phương, Đội CSGT số 6, phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết: "Đa phần chúng tôi xử lý xe limousin là chỉ xử lý được cái lỗi dừng đỗ không đúng nơi quy định thôi còn việc xử lý chở hành khách rất là khó. Cái lỗi dừng xe không đúng nơi quy định thì chỉ phạt hành chính 350 nghìn thôi, không bị tước bằng lái, cái chế tài này không đủ sức răn đe đối với trường hợp này cho nên là các chủ xe nhà xe limousin người ta sẵn sàng vi phạm để tiếp tục đón trả khách."

Thiếu các quy định rõ ràng, khó khăn trong quản lý, các lái xe thì nhờn luật. Để rồi giờ đây limousin xuất hiện ở khắp các ngõ ngách tại các TP lớn, áp lực đè nặng lên hạ tầng giao thông phá vỡ luồng tuyến vận tải hành khách.

Còn các cơ quan quản lý nhà nước thì vẫn chưa có 1 định danh cụ thể cho loại hình này vẫn chỉ gọi chung chung là xe hợp đồng.

Có thể thấy, xã hội đang liên tục phát triển và vận động, với những loại hình kinh doanh vận tải mới được sinh ra, những lỗi vi phạm dù mới hoặc cũ, nhưng mức độ ảnh hưởng thì lại khác xa thời điểm ban hành luật.

Vậy, liệu chúng ta có nên tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật như nghị định, hay thông tư để lấp đầy các khoảng trống về mặt pháp lý hay không? Hay đã đến lúc, các nội dung trong luật cần phải càng chi tiết càng tốt, để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thi hành, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi, có tính khả thi, tính dự báo, theo kịp với xu thế của thế giới và vẫn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Độ trễ của luật càng lớn thì khoảng trống pháp lý càng rộng

Nghị định 100 đã cho thấy, sự ra đời của nghị định này đã nhanh chóng lấp đầy các khoảng trống của Luật giao thông đường bộ 2008, với những chế tài rất rõ ràng và cụ thể từng hành vi vi phạm. Và thực tế nó đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực như thế nào cho xã hội,

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các đạo luật cần được nghiên cứu chuyên sâu, rõ ràng, chi tiết và dễ tiếp cận với người dân hơn, so với những quy định chung chung, rồi lại tiếp tục căn cứ theo những văn bản khác để thực thi.

TS Khương Kim Tạo – Chuyên gia giao thông cho biết: "Khi chúng ta viết các đạo luật, chúng ta càng chia nhỏ ra, thì chúng ta càng có điều kiện viết sâu hơn các quy định trong luật. Vậy thì trong chừng mực kinh tế, phát triển xã hội nào đó thì người ta có thể nghiên cứu đến những đạo luật để quản lý xã hội theo chiều sâu riêng. Và như thế thì có điều kiện để đầu tư và quản lý tốt hơn. Đầu tư từ công tác quy hoạch đến thiết kế, rồi đến thực thi."

Đồng quan điểm với các chuyên gia, các luật sư cũng cho rằng, giao thông đường bộ gồm 2 lĩnh vực chính: an toàn giao thông và kết cầu hạ tầng giao thông.

Đây là 2 lĩnh vực lớn, mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng hiện chỉ được điều chỉnh trong 1 luật, dẫn đến thiếu đầy đủ, rõ ràng trong nhiều nội dung quan trọng của 2 lĩnh vực này.

Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty luật Bảo Ngọc cho biết: "Cái điểm quan trọng nhất là về mặt kỹ thuật lập pháp, tức là Luật này đã quy định 2 nội dung lớn là quản lý nhà nước về cơ sở hạ tầng và trật tự an toàn giao thông, đây là 2 đối tượng khác nhau được quy định trong cùng 1 luật. Nội dung quản lý về Luật giao thông đường bộ 2008 thì lại do 2 cơ quan quản lý nhà nước khác nhau là Bộ giao thông và Bộ Công an. Thì về mặt lập pháp chúng tôi cho rằng cần tách 2 luật này thì 2 cơ quan chủ trì soạn thảo 2 luật này sẽ đưa ra nội dung chi tiết để đảm bảo về đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh trong luật chuyên ngành của mình được đầy đủ, sát với thực tế, khả thi, dễ đưa vào cuộc sống hơn là 1 luật khung, luật ống như hiện nay."

Với tính chất phức tạp của tình hình TNGT đường bộ hiện nay, chiếm 97% số vụ TNGT so với các loại hình giao thông khác thì việc cần nhanh chóng có những quy định cụ thể và rõ ràng về trật tự an toàn giao thông là đòi hỏi thực tiễn của xã hội. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp, từng ngày từng giờ với từng người dân trong các hoạt động sinh hoạt, phát triển kinh tế xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Pháp luật 19/09/2024

(ANTV) - Sáng nay, TAND TP HCM tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị xét xử về các tội Rửa tiền, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc rửa tiền với số tiền 445.000 tỉ đồng, vận chuyển 4,5 tỉ USD và lừa đảo 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt của các bị hại hơn 30.000 tỉ đồng.

Giao thông một số nơi trong tỉnh Quảng Trị bị chia cắt

Giao thông một số nơi trong tỉnh Quảng Trị bị chia cắt

Xã hội 19/09/2024

(ANTV) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 80-140mm, một số nơi ở huyện miền núi Đakrông cao hơn như: La Tó 223mm, Tà Long 195,8mm, Ba Nang 152,8mm. Mưa lớn làm giao thông ở một số nơi thuộc 02 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa bị chia cắt do các ngầm tràn bị ngập.

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép

Chính trị 19/09/2024

(ANTV) - Ngày 19/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Cục Quản lý di dân quốc gia Trung Quốc tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch triển khai cao điểm phối hợp phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép Việt Nam - Trung Quốc. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác hợp tác của hai Bên sau một năm thực hiện kế hoạch; thảo luận thống nhất nội dung hợp tác trong những năm tiếp theo.

Xem thêm