Gồm 04 điều quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng và kinh phí đảm bảo cho việc tái hòa nhập cộng đồng.

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; trách nhiệm của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi chung là phạm nhân); người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

3. Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng

Thực hiện đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù.

4. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng

Kinh phí nhà nước cấp bảo đảm thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam được thành lập theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019 để hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được tiếp nhận tiền, ngoại tệ, hiện vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác từ nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng cho các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật:

- Đối với khoản đóng góp là tiền: cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền phải mở sổ kế toán để theo dõi riêng số tiền đóng góp; trường hợp khoản đóng góp bằng ngoại tệ, kim cương, đá quý, kim loại quý hoặc hiện vật có giá trị khác phải tổ chức bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá và nộp số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan, tổ chức được tiếp nhận;

- Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật: cơ quan, tổ chức tiếp nhận thực hiện các thủ tục nhận bàn giao, chuẩn bị mặt bằng, kho bãi bảo quản đảm bảo an toàn để sử dụng;

- Đối với khoản đóng góp phi vật chất: cơ quan, tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật hiện hành;

- Việc sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) cho các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng phải được lập kế hoạch, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức theo quy định tài chính hiện hành.

Gồm 04 điều (từ điều 05 đến điều 08) quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, gồm:

1. Về tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân

Theo Nghị định, trong khoảng thời gian 02 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.

Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Nội dung của tư vấn gồm:

- Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.

- Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

- Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan

2. Định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân

- Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.

- Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, 03 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.

- Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

3. Hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng

- Phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.

- Căn cứ nguồn vốn của Quỹ hòa nhập cộng đồng, Giám thị trại giam quyết định mức tiền hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân.

4. Về việc thông báo phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt

- Hai tháng trước khi phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện việc thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

- Trường hợp thực tế phạm nhân không có nơi nương tựa, không xác định được nơi sẽ về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thì các cơ sở giam giữ phạm nhân đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi phạm nhân chấp hành án phối hợp làm thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội của địa phương ngay sau khi họ chấp hành xong án phạt tù.

1. Về thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng

- Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

- Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:

+ Tuyên truyền về những Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

+ Tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;

+ Tuyên truyền về một số Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

+ Nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu;

+ Các nội dung khác có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.

- Về hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục:

+ Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng internet, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan;

+ Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền;

+ Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, giáo dục cá biệt do báo cáo viên, tuyên truyền viên, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức;

+ Thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sáng tác văn học, nghệ thuật;

+ Các hình thức thông tin, truyền thông giáo dục khác.

2. Được trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý

- Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội.

- Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính; khi thực hiện các giao kết hợp đồng dân sự; làm thủ tục đề nghị Tòa án ra quyết định xóa án tích, đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.

3. Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho

- Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

- Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

- Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

4. Một số biện pháp hỗ trợ khác

- Người chấp hành xong hình phạt tù được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước; được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế theo quy định của các luật thuế có liên quan và văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan Các bộ và các cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng. Đối với địa phương, nghị định quy định rõ trách nhiệm của UBND và các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, gồm:

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú ở địa phương; quyết định tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội đối với người chấp hành xong hình phạt tù không nơi nương tựa thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

- Quyết định thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất theo quy định của pháp luật để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

- Bố trí ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; xem xét quyết định các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để tạo việc làm và có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong hình phạt tù có điều kiện học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; có chính sách phù hợp khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong hình phạt tù có điều kiện học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện công tác tiếp nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú ở địa phương.

- Tổ chức việc dạy nghề, giải quyết việc làm giúp người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện các chính sách trợ giúp khác theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương.

- Phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và vận động nhân dân trong khu vực dân cư phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù.

- Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

- Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; làm thủ tục đề nghị Tòa án nhâ dân có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong hình phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt và đã lập công theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thử thách; miễn chấp hành thời hạn còn lại của hình phạt bổ sung; miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người chấp hành xong hình phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn người chấp hành xong hình phạt tù tham gia chính sách việc làm công; áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với người chấp hành xong hình phạt tù là trẻ em khi trở về tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện chính sách đối với người chấp hành xong hình phạt tù thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

4. Trách nhiệm của Công an tỉnh

- Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.

- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân khác theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Chỉ đạo cơ quan thi hành án hình sự của lực lượng Công an địa phương theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu tổng hợp số liệu, tình hình, đánh giá kết quả thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; báo cáo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

5. Trách nhiệm của Công an cấp huyện

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an cấp xã thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

- Chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét rút ngắn thời gian thử thách; miễn chấp hành thời hạn còn lại của hình phạt bổ sung; miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người chấp hành xong hình phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; định kỳ hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp số liệu, tình hình, đánh giá kết quả công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; báo cáo Công an cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

6. Trách nhiệm của Công an cấp xã

- Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương.

- Chủ động nắm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người chấp hành xong hình phạt tù để tư vấn, hướng dẫn họ thực hiện kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của bản thân và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện giúp đỡ họ giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể xã hội tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù.

- Hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, xin xóa án tích; chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã làm thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích cho người chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

- Quan tâm giúp đỡ, bảo đảm về an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề và tiếp nhận, giúp đỡ tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

- Kịp thời xem xét, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với người chấp hành xong hình phạt tù là trẻ em; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và xử lý người chấp hành xong hình phạt tù tái phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả và đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình tham gia giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù

- Chủ động nắm tình hình hoạt động, tâm tư nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn của người chấp hành xong hình phạt tù để phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thống nhất biện pháp giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của bản thân; tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

- Động viên, nhắc nhở người chấp hành xong hình phạt tù chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương; thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội; kịp thời phát hiện, phản ánh với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chức năng địa phương về những biểu hiện, hành vi vi phạm của người chấp hành xong hình phạt tù để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp.

1. Hiệu lực thi hành

- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2020.

- Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Hướng dẫn thi hành

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

3.Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Xuất bản 18/12/2023 - 14:56 Kim Dung

Tin mới nhất

Quy định mới về bán thuốc online

Quy định mới về bán thuốc online

Xã hội 22/11/2024

(ANTV) - Chiều ngày 21/11, với 426/430 đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với nhiều điểm quy định mới. Trong đó tới đây kinh doanh dược phẩm qua thương mại điện tử hay còn gọi là bán thuốc online sẽ chính thức được thực thi.

Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em

Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em

Xã hội 22/11/2024

(ANTV) - Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng cho trẻ em, vì vậy việc bảo đảm an tòan, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Hạn chế xe máy tại Hà Nội vào năm 2025, liệu có khả thi?

Hạn chế xe máy tại Hà Nội vào năm 2025, liệu có khả thi?

Xã hội 22/11/2024

(ANTV) - Mới đây, UBND TP Hà Nội đã xây dựng dự thảo vùng phát thải thấp tại Thủ đô nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Trong đó, một trong những định nghĩa mới đã được công bố khiến nhiều người dân quan tâm đó là “vùng phát thải thấp” là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi hiện đang có mức độ ô nhiễm không khí cao.

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các làng nghề dịp cuối năm

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các làng nghề dịp cuối năm

Xã hội 22/11/2024

(ANTV) - Hiện tại đã bước vào giai đoạn cuối năm, đây là thời điểm các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội bước vào giai đoạn gia tăng sản xuất phục vụ hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Đây cũng chính là thời điểm dễ phát sinh những vụ cháy lớn tại các kho bãi, xưởng sản xuất của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại các làng nghề.

Bắt giữ nhóm thanh thiếu niên manh động trên đường phố Quảng Ninh

Bắt giữ nhóm thanh thiếu niên manh động trên đường phố Quảng Ninh

Pháp luật 22/11/2024

(ANTV) - Thời gian vừa qua, dọc tuyến đường bao biển thành phố Hạ Long - Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, xuất hiện nhóm thanh thiếu niên đi xe máy tốc độ cao, cầm theo hung khí có hành vi gây thương tích và đập phá phương tiện của người đi đường vào ban đêm. Công an thành phố Cẩm Phả đã nhanh chóng truy xét và bắt giữ nhóm đối tượng.

Tạo ra bản đồ về tế bào cơ thể người

Tạo ra bản đồ về tế bào cơ thể người

Thế giới 22/11/2024

(ANTV) - Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Bản đồ Tế bào Người đã tạo ra một bản đồ sơ bộ về hơn 37.000 tỷ tế bào ước tính làm nên cơ thể người. Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature, hình ảnh bản đồ tế bào người ấn tượng đến mức có thể bị nhầm là tác phẩm nghệ thuật.

Xem thêm