(ANTV) - Trong mỗi giai đoạn cách mạng, phát triển của đất nước, Đảng ta luôn xác định mục tiêu xây dựng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình hình. Trong đó xây dựng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSCĐ luôn giữ vững vai trò là “lá chắn thép” trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển đất nước.
Những năm qua, lực lượng CSCĐ đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới; Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 05/9/2019 của Bộ chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. CSCĐ luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, dũng cảm, chiến đấu hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an và cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng CSCĐ, nhất là chỉ đạo cơ quan tham mưu chiến lược làm tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các chuyên án hình sự, ma túy đặc biệt nguy hiểm.
Những kết quả nổi bật của lực lượng CSCĐ trong giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, như: Tham gia chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc và Tây Nam; tăng cường lực lượng hỗ trợ Campuchia đấu tranh chống chế độ Khmer Đỏ năm 1978 và 1979; truy quét phản động Fulro ở Tây Nguyên những năm 1980; giải quyết các vụ gây rối ANTT, các “điểm nóng” nông thôn năm 1997; giải quyết các vụ việc gây rối ANTT, bạo loạn chính trị, biểu tình bất hợp pháp tại Tây Nguyên; vụ việc lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” để tuyên truyền chống phá Nhà nước tại xã Hra, huyện Măng Yang, Gia Lai năm 2012; tăng cường cán bộ, chiến sĩ bảo đảm ANTT tại Tuyên Quang do đối tượng Dương Văn Mình cầm đầu năm 2013; ngăn chặn hành vi gây rối ANTT tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016; vụ tụ tập đông người, gây mất ANTT tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của một số đối tượng âm mưu lập “Nhà nước Mông” tại huyện Mường Tè, Lai Châu năm 2020...
Gần đây nhất là vụ việc nhóm đối tượng khủng bố sử dụng vũ khí tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương (trong đó có 4 cán bộ Công an xã hy sinh), đập phá trụ sở, hủy hoại nhiều phương tiện, tài liệu.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Tư lệnh và 01 Phó Tư lệnh khẩn trương vào Đắk Lắk để trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Đồng thời huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của các Trung đoàn CSCĐ, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 với đầy đủ vũ khí, phương tiện phối hợp với Công an Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, thiết lập hệ thống thông tin chỉ huy tiến hành truy xét nhanh, khép chặt vòng vây, nhằm bắt giữ nhanh các đối tượng khủng bố. Tính đến hết ngày 20/6/2023 lực lượng CSCĐ đã truy bắt thành công 115 đối tượng trực tiếp và liên quan thu giữ nhiều tang vật liên quan như ô tô, xe mô tô, súng, lựu đạn, dao..., bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý, nhanh chóng ổn định tình hình và trả lại sự bình yên cho Tây Nguyên.
Trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, lực lượng CSCĐ trực tiếp tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng truy quét các băng, nhóm tội phạm có tổ chức: băng, nhóm Khánh Trắng, Năm Cam; các băng, nhóm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở các tỉnh Tây Bắc (chuyên án ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); các vụ án kinh tế, buôn lậu và gian lận thương mại xảy ra ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.
Trong đấu tranh với tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, lực lượng CSCĐ đã giải cứu con tin thành công các vụ xảy ra ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP.HCM...
Quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng CSCĐ luôn dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã có 11 tập thể, 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 7 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Lao động, 38 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 25 Huân chương Chiến công, hàng ngàn tập thể và hàng vạn cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả vai trò trong tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, lực lượng CSCĐ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
(1) Chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp vũ trang đấu tranh, ngăn chặn, vộ hiệu hóa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử khủng bố và số cực đoan chống đối trong tôn giáo.
Phối hợp có hiệu quả với Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh trấn áp các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, tín dụng đen, tội phạm có yếu tố nước ngoài… bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
(2) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ, chiến thuật và năng lực chỉ huy, điều hành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Thực hiện tốt công tác huấn luyện thường xuyên, huấn luyện nâng cao, huấn luyện thể lực, huấn luyện phương án tác chiến, phương án tuần tra, bảo vệ mục tiêu.
Thực hành diễn tập phương án phòng, chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp ở cấp độ cao, xảy ra liên tỉnh, liên vùng; sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
(3) Tập trung xây dựng lực lượng, kiện toàn quân số, cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT trong tình hình mới theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với lộ trình chung của Bộ Công an đảm bảo tính chiến lược, khoa học và hiệu quả.
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục truyền thống, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, việc chấp hành quy chế, quy trình công tác, kỷ luật phát ngôn, điều lệnh.
Xây dựng lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
(4) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần đảm bảo phục vụ công tác, chiến đấu với quân số tham gia lớn, trong thời gian dài tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo khi có yêu cầu. Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đời sống sinh hoạt và thao trường bãi tập cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn chiến đấu.
Trang bị các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không nhằm nâng cao tính cơ động chiến đấu của CSCĐ; khảo sát, mua sắm, bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại trang bị phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CSCĐ.
(5) Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan, các ngành, các cấp, với quân đội theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định để phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
Đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế với Cảnh sát các nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ theo từng cấp độ quan hệ, qua đó tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm phục vụ quá trình đổi mới công tác huấn luyện, đào tạo kỹ thuật, chiến thuật tác chiến, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật và phát huy nguồn lực quốc tế trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT.
Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ toàn lực lượng CSCĐ sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSCĐ nói riêng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là “lá chắn thép” trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững.
Đại tá, ThS. Phạm Hữu Thinh
Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động
(ANTV) - Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là cầu nối văn hóa, mà còn là lực lượng kinh tế ngày càng quan trọng. Hơn 30 tỷ đô la kiều hối mỗi năm là minh chứng cho niềm tin của kiều bào vào sự phát triển của đất nước. Và giờ đây, khi Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị vừa được ban hành, nhiều doanh nhân Việt kiều đang kỳ vọng vào một làn gió mới – nơi rào cản được gỡ bỏ, kinh tế tư nhân được “cởi trói”, và hành lang pháp lý trở nên thông thoáng hơn bao giờ hết.
(ANTV) - Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương có buổi làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM về việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 45 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cùng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam tại ĐHQG TP.HCM.
(ANTV) - Sự bùng nổ của tiền mã hóa đặt ra yêu cầu công tác quản lý . Việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
(ANTV) - Nền kinh tế Nhật Bản đã có quý suy giảm lần đầu tiên trong vòng 1 năm trở lại đây trong quý 1 vừa qua, với mức giảm sâu hơn so với dự báo. Dữ liệu này cho thấy sự phục hồi kinh tế Nhật đang trở nên mong manh trước mối đe dọa thuế quan từ Mỹ.
(ANTV) - Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine đã kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận đình chiến nào. Trong khi phía Nga cho biết hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán và Moskva sẵn sàng tiếp tục trao đổi với phía Ukraine.
(ANTV) - Sau khi Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hơn 100 tấn hàng giả là thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
(ANTV) - Sáng ngày 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.
(ANTV) - Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, lực lượng công an cơ sở đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn tận người dân ở từng khu dân cư địa bàn để góp ý sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VneID. Những nỗ lực này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, để người dân thể hiện quyền làm chủ, đóng góp trí tuệ vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước.
(ANTV) - Với Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, thì tinh thần yêu nước là vốn quý, là sức mạnh lớn nhất giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử. Đây cũng là điều mà Bác luôn mong mỏi nhất để giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam. Khắc ghi lời dạy quý báu của Người, thanh niên Việt Nam dù ở đâu, làm gì vẫn luôn giữ vững tinh thần yêu nước, sẵn sàng cống hiến trên mọi lĩnh vực góp phần trong công cuộc dựng xây đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
(ANTV) - Sáng ngày 17/5, Xá lợi Đức Phật đã chính thức được tổ chức cung rước từ chùa Quán Sứ, Hà Nội về cung nghinh, an vị, chiêm bái tại Điện Tam Thế, chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam trong không khí trang nghiêm, an ninh, an toàn. Sự kiện cung nghinh xá lợi Đức Phật sẽ được tôn trí, chiêm bái tại chùa Tam Chúc từ 17/5 đến ngày 20/5.