Chủ Nhật, 23/02/2025 00:09 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Kế hoạch tiếp quản Gaza của Mỹ - nước cờ chính trị mạo hiểm

(ANTV) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ hai tuần sau khi nhậm chức tiếp đón vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tại Nhà Trắng là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cho thấy vấn đề Trung Đông cũng như quan hệ giữa Mỹ và Israel được Washington rất quan tâm.

Trái với dự đoán về những kết quả “trung tính” mà cuộc gặp đem lại, những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau đó không chỉ khiến vấn đề Trung Đông trở thành đề tài trang nhất của truyền thông quốc tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm phức tạp thêm cục diện an ninh tại khu vực bất ổn bậc nhất thế giới này.

Đề xuất gây sốc của Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ tiếp quản Gaza, dọn dẹp đống đổ nát và phát triển kinh tế sau khi gần 2 triệu người Palestine sinh sống tại đây di dời đến các quốc gia khác đã khiến dư luận quốc tế dậy sóng.

Với kế hoạch này, ông Trump vừa đưa ra động thái can thiệp gây chấn động nhất trong lịch sử dài của cuộc xung đột Israel - Palestine.

Đề xuất gây chấn động dư luận

Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP phát biểu: “Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi sẽ xử lý vùng đất này. Chúng tôi sẽ sở hữu và chịu trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ bom mìn chưa nổ và vũ khí nguy hiểm tại khu vực này. San bằng khu vực, dọn sạch những tòa nhà bị phá hủy, tạo ra một nền kinh tế phát triển cung cấp vô số việc làm và nhà ở cho người dân địa phương, làm một điều gì đó thực sự khác biệt”.

Ý tưởng táo bạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiệt tình ủng hộ nhưng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Người dân Gaza, phong trào Hamas - tổ chức kiểm soát Gaza, chính quyền Palestine, LHQ, các nước Arab, châu Âu và nhiều quốc gia khác… đã bác bỏ mọi nỗ lực di dời người Palestine khỏi lãnh thổ của họ.

Người dân Gaza chia sẻ: "Bất chấp sự tàn phá hiện tại, chúng tôi vẫn dựng lại nhà để sống. Bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ vẫn bám trụ mảnh đất này. Đây là đất đai của chúng tôi và của tổ tiên chúng tôi, và chúng tôi sẽ ở lại đó."

Ông RIYAD MANSOUR, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc cho biết: "Gaza là quê hương của người Palestine và dù một phần của vùng đất này đã bị tàn phá, người Palestine vẫn lựa chọn trở về. Họ muốn dọn dẹp và xây dựng lại Gaza. Họ muốn xây dựng lại trường học, bệnh viện, đường sá, cơ sở hạ tầng và nhà cửa, bởi vì đây là nơi họ thuộc về và họ thích sống ở đó. Các nhà lãnh đạo và cộng đồng quốc tế nên tôn trọng mong muốn của người dân Palestine.”

Tổng Thư ký LHQ ANTONIO GUTERRES phát biểu: “Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, chúng ta không được làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là phải trung thành với nền tảng của luật pháp quốc tế. Điều cần thiết là phải tránh mọi hình thức thanh trừng sắc tộc.”

Tổng thống Đức FRANK-WALTER STEINMEIER phát biểu: “Đề xuất di dời hoặc tái định cư người Palestine khỏi Dải Gaza đã gây ra mối quan ngại sâu sắc. Những đề xuất như vậy không thể chấp nhận được theo luật pháp quốc tế, tôi cũng không tin rằng chúng sẽ là cơ sở nghiêm túc cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa các bên trong khu vực và chính quyền Hoa Kỳ.”

Ông ADAM COOGLE, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chúng ta không biết liệu những tuyên bố của Tổng thống Trump có trở thành chính sách thực sự hay không, nhưng nó rất đáng lo ngại. Người dân Palestine ở Dải Gaza có quyền ở lại lãnh thổ của họ. Họ có quyền ở lại nhà của họ và không nên trở thành nạn nhân của việc di dời cưỡng bức thêm nữa. Những tuyên bố của Tổng thống Trump đã bị các quốc gia trên khắp thế giới lên án, bao gồm Ai Cập và Jordan, các quốc gia ở Châu Âu và trên toàn cầu. Đây là một bước đi tích cực, các quốc gia đã nói rằng điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ không cho phép nó xảy ra.”

Sau khi phải đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế mạnh mẽ, các quan chức cấp cao trong Chính quyền của Tổng thống Trump đã bảo vệ kế hoạch gây tranh cãi của ông về Gaza, song đồng thời cũng đã hạ thấp kỳ vọng và điều chỉnh các yếu tố trong đề xuất. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã trấn an công chúng rằng kế hoạch của Tổng thống Trump chỉ nhằm tạm thời di dời người Palestine khỏi Gaza, chứ không phải tái định cư vĩnh viễn tại các quốc gia có đa số dân là người Arab. Bà Leavitt cũng khẳng định Mỹ sẽ không chi trả cho việc tái thiết Gaza và không có ý định triển khai quân đội đến vùng đất này.

Nước cờ chính trị mạo hiểm

Chính sách Trung Đông của Mỹ dưới thời Trump 2.0 đang có những thay đổi đáng kể. Dù việc di dời người Palestine khỏi Gaza chỉ là “tạm thời” như một số quan chức Mỹ đã trấn an, điều này sẽ làm đảo lộn chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong chính sách đối với khu vực. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần nhấn mạnh, một nhà nước Palestine có chủ quyền tồn tại song song trong hòa bình và an ninh với Israel là giải pháp bền vững duy nhất để đảm bảo ổn định ở Trung Đông.

Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ công khai đề xuất việc di dời người Palestine khỏi Gaza. Ý tưởng chấn động này của ông Trump đã phá vỡ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên, từ lâu đã nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine, cũng như sự cảnh giác trước đây của ông đối với việc Mỹ can thiệp ở Trung Đông. Trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông năm 2020 được thiết lập dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ vẫn đề xuất việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh nhà nước Israel, dù công nhận chủ quyền của Israel với các khu định cư ở Bờ Tây, thung lũng Jordan.

Ông SHMUEL ROSNER, Cố vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu Do thái cho biết: “Tổng thống Trump vừa gạt bỏ 30, 40 năm nỗ lực ngoại giao của nhiều chính quyền Hoa Kỳ. Ông ấy sẵn sàng thử điều gì đó mới và khác biệt. Nhưng lý do mà hầu hết người Palestine, nhiều người Ả Rập Israel và nhiều người ở các quốc gia khác phản đối ý tưởng này là vì nghi ngờ rằng nếu hiện thực hóa ý tưởng đó, nếu có thể di dời người dân khỏi Gaza, thì tại sao không làm điều tương tự với những người ở những nơi khác? Tại sao không phải là Bờ Tây? Một số người Israel thậm chí sẽ nói, tại sao không phải là người Ả Rập-Israel? Tại sao chúng ta không thể tách biệt dân số của người Do Thái và người Ả Rập bằng cách di dời tất cả người Ả Rập khỏi đất Israel? Đó sẽ là một ý tưởng cực đoan. Đó sẽ là một ý tưởng đáng lo ngại.”

Việc can thiệp quá sâu vào Dải Gaza và cưỡng ép di dời người Palestine còn tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu quan hệ của Mỹ với các đồng minh Arab, đặc biệt là Ả-rập Xê-út. Trong những năm gần đây, dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine thông qua đàm phán giữa Ả-rập Xê-út và Israel, trong đó Riyadh có thể công nhận Israel nếu một số điều kiện liên quan đến Palestine được đáp ứng. Tuy nhiên, với đề xuất của Tổng thống Trump, Ả-rập Xê-út có thể rút khỏi tiến trình này, đồng nghĩa với việc triển vọng một Trung Đông ổn định trở nên xa vời hơn.

Đó là chưa kể đề xuất này có thể làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Việc Mỹ đứng về phía Israel và áp đặt các giải pháp không được sự đồng thuận của người Palestine có thể dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ từ phía Palestine và các quốc gia ủng hộ họ. Căng thẳng có thể không chỉ dừng lại ở ngoại giao mà còn leo thang thành xung đột quân sự, khi các nhóm vũ trang Palestine có thể coi đây là một lý do để tiếp tục các cuộc tấn công. Hamas đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ Gaza, và một đề xuất như vậy có thể khiến tình hình tại khu vực này thêm bạo lực.

Trung Đông vẫn luôn là một ván cờ phức tạp, nơi mỗi bước đi của các bên liên quan dù trực tiếp hay gián tiếp đều tiềm ẩn những rủi ro đối với hòa bình, an ninh và các nỗ lực ngoại giao vốn dễ bị tổn thương. Một chính sách chỉ tính tới những lợi ích ngắn hạn có thể kéo cả khu vực vào vòng xoáy xung đột mới với hậu quả khó lường. Trong bối cảnh khu vực vẫn còn nhiều bất ổn, mọi giải pháp cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm leo thang xung đột và ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình lâu dài.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Thái Lan tăng cường giám sát người nước ngoài

Thái Lan tăng cường giám sát người nước ngoài

Thế giới 22/02/2025

(ANTV) - Nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, ngăn chặn tình trạng cư dân địa phương bị quấy rối cũng như duy trì ổn định xã hội, Bộ Tư lệnh hoạt động an ninh nội địa Thái Lan đã chỉ đạo các văn phòng cấp tỉnh và huyện trên toàn quốc giám sát nghiêm ngặt các khu vực và cộng đồng có người nước ngoài cư trú.

Tổng thống Mỹ bác kế hoạch tới Nga dự kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Tổng thống Mỹ bác kế hoạch tới Nga dự kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Thế giới 22/02/2025

(ANTV) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/2 đã chính thức lên tiếng về thông tin ông sẽ tới Nga dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Theo đó, ông phủ nhận có kế hoạch tới Nga dự buổi lễ này. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng đã phủ nhận kế hoạch tổ chức cuộc họp giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Mỹ tại Nga.

Xe khách bốc cháy trên QL1

Xe khách bốc cháy trên QL1

Xã hội 22/02/2025

(ANTV) - Một chiếc xe khách chạy hướng Nam - Bắc, khi qua địa bàn thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thì bất ngờ bốc cháy.

Xem thêm