Thứ Sáu, 20/09/2024 07:48 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Nuôi ong bảo tồn rừng ngập mặn ở Kenya

(ANTV) - Rừng ngập mặn là nền tảng của các hệ sinh thái ven biển, bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn, cung cấp môi trường sống cho cá và các sinh vật biển khác, đồng thời lưu trữ một lượng lớn carbon. Những khu rừng ven biển rất quan trọng đối với các cộng đồng địa phương, những người từ lâu sống dựa vào chúng để lấy lương thực, nhiên liệu và vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, Kenya đã để mất một nửa diện tích rừng ngập mặn trong 50 năm qua do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả việc người dân khai thác quá mức với các lựa chọn sinh kế hạn chế.

Gần đây, một loạt nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn đã được triển khai quanh thành phố Mombasa, trong đó, một cách làm mới mẻ tận dụng nguồn lực của chính những khu rừng ven biển, đó là nuôi ong.

Trong bộ quần áo bảo hộ, ông Peter Nyongesa đang đi bộ qua cánh rừng ngập mặn để theo dõi các tổ ong của mình. Ông nhớ lại đã từng rất nhiều lần cầu xin những người khai thác gỗ tránh xa khu rừng ngập mặn hoặc chí ít giữ lại “sinh mệnh” cho những cây còn non.

Ông Peter Nyongesa – Thành viên nhóm bảo tồn Tulinde Mikoko, Kenya: "Chỉ cần nhận ra điều gì đó có lợi, họ sẽ không quan tâm tới hậu quả về sau. Đến mức, chúng tôi phải van xin họ chỉ chặt những cây trưởng thành mà chừa lại cây non, nhưng họ nói rằng, những cây đó chẳng phải sở hữu của ai cả.”

Ông Nyongesa bắt đầu nuôi ong từ 25 năm trước nhưng chủ yếu là để lấy mật. Đến năm 2019, ông tham gia một nhóm bảo tồn địa phương có tên là Tulinde Mikoko, tiếng Swahili có nghĩa là "Hãy bảo vệ rừng ngập mặn". Những tình nguyện viên của nhóm đóng vai trò là người bảo vệ rừng và ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép. Họ đã nghĩ ra ý tưởng giấu những tổ ong trên các nhánh cây để biến những con ong cần mẫn trở thành một người bảo vệ rừng thầm lặng.

Bà Bibiana Nanjilula, Người sáng lập nhóm bảo tồn Tulinde Mikoko, Kenya: "Những đối tượng khai thác gỗ trái phép thường lợi dụng lúc đêm tối để chặt phá cây trong rừng, thời điểm mà chúng tôi không thể giám sát hết được. Vì thế, chúng tôi đặt những tổ ong ở trên cao hoặc những nơi cây lá rậm rạp. Ong không thích tiếng ồn, vì vậy, khi những đối tượng khai thác bắt đầu cưa hoặc chặt cây, ong sẽ lao ra tấn công họ.”

Sáng kiến tuy đơn giản nhưng lại đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép trong rừng ngập mặn ở Mombasa. Ở thành phố ven biển này, người ta ước tính, gần 50% tổng diện tích rừng ngập mặn, tương đương khoảng gần 2.000ha rừng, đã bị suy thoái nghiêm trọng do cả yếu tố tự nhiên và con người.

Nhưng có một điểm đáng mừng, sự suy thoái này đang giảm tốc trong vài năm gần đây, nhờ vào rất nhiều sáng kiến của cộng đồng địa phương, mà một trong số đó là Tulinde Mikoko. Bên cạnh đó, việc nuôi ong trong rừng ngập mặn còn đem tới cho người dân địa phương một nguồn thu nhập đáng kể, nhờ tận dụng được lợi thế từ chính những khu rừng ven biển.

Ông Peter Nyongesa – Thành viên nhóm bảo tồn Tulinde Mikoko, Kenya: "Phù sa màu mỡ và biển cả đã tạo nên khu đất ngập nước với thảm thực vật phong phú. Đó là môi trường lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong. Mật ong với chất lượng tốt giúp chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn để trang trải cuộc sống.”

Những con ong cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh sản. Mối quan hệ cộng sinh giữa rừng ngập mặn, đàn ong và con người càng thúc đẩy những tình nguyện viên này nỗ lực bảo vệ rừng. Việc chăm sóc ong cũng giống như việc chăm sóc rừng ngập mặn, hay nói cách khác, người nuôi ong cũng phải như một cán bộ kiểm lâm.

Ông Jared Bosire – Quản lý dự án, Chương trình Môi trường LHQ tại Nairobi, Kenya: "Rừng ngập mặn càng khỏe mạnh thì sản lượng và chất lượng mật ong sẽ càng cao. Chúng tôi khuyến khích việc kết hợp sinh kế với bảo tồn rừng ngập mặn, bởi cộng đồng sẽ nhận được rất nhiều lợi ích về lâu dài thay vì những lợi ích trước mắt.”

Những mầm cây con đang mọc lên tại những khu đất rừng từng bị chặt hạ. Những bầy ong sẽ sớm có một ngôi nhà mới. Người dân ở Mombasa cũng sẽ có thêm nguồn sinh kế và họ sẽ viết tiếp câu chuyện của những người bảo vệ rừng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Pháp luật 19/09/2024

(ANTV) - Sáng nay, TAND TP HCM tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị xét xử về các tội Rửa tiền, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc rửa tiền với số tiền 445.000 tỉ đồng, vận chuyển 4,5 tỉ USD và lừa đảo 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt của các bị hại hơn 30.000 tỉ đồng.

Giao thông một số nơi trong tỉnh Quảng Trị bị chia cắt

Giao thông một số nơi trong tỉnh Quảng Trị bị chia cắt

Xã hội 19/09/2024

(ANTV) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 80-140mm, một số nơi ở huyện miền núi Đakrông cao hơn như: La Tó 223mm, Tà Long 195,8mm, Ba Nang 152,8mm. Mưa lớn làm giao thông ở một số nơi thuộc 02 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa bị chia cắt do các ngầm tràn bị ngập.

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép

Việt Nam - Trung Quốc hợp tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép

Chính trị 19/09/2024

(ANTV) - Ngày 19/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Cục Quản lý di dân quốc gia Trung Quốc tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch triển khai cao điểm phối hợp phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép Việt Nam - Trung Quốc. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác hợp tác của hai Bên sau một năm thực hiện kế hoạch; thảo luận thống nhất nội dung hợp tác trong những năm tiếp theo.

Xem thêm