Chúng tôi đến thành phố Đà Nẵng, nắng đổ vàng trên dòng sông Hàn phóng khoáng. Con đường ven biển Mỹ Khê mang tên Võ Nguyên Giáp dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ ấm áp của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Huệ, nằm gần cuối ngõ An Thượng 5, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Mặc dù trước đó đã được nghe nhiều chuyện xúc động về người nữ anh hùng ấy song chúng tôi vẫn không khỏi cảm phục khi gặp... người phụ nữ miền Trung nhỏ nhắn có nụ cười nhân hậu và giọng nói thân thương. Để rồi chính trong căn phòng giản dị của cô, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện cảm động về chiến tranh, về tình đồng chí, về những hy sinh gian khổ, những mất mát đau đớn và cả tình yêu...
Những chiến công, những hy sinh
Là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 8 anh chị em ở xã Hòa Liên, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, mẹ mất sớm, Ngô Thị Huệ lớn lên trong sự thương yêu của người cha, một chiến sỹ cách mạng kiên trung. Bản thân mẹ của bà từng tham gia cách mạng khi còn sống, sau này cũng được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xuất thân từ gia đình có truyền thống như vậy nên cả 8 anh chị em của anh hùng Ngô Thị Huệ đều tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, có người hy sinh, có người về hưu rồi qua đời, đến bây giờ chỉ còn lại mình bà. Với tính cách gan dạ, thông minh, linh hoạt hơn người, Ngô Thị Huệ dường như sinh ra là để làm cách mạng. Năm 1953, khi mới 13 tuổi, bà đã là thành viên Đội thiếu nhi chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới và đưa thư cho cán bộ. Bà kể, có lần khi các đồng chí cách mạng đang họp chi bộ trong nhà bà thì bọn địch bất ngờ vây ráp quanh xóm. Thấy nguy hiểm, cô bé Huệ đã mưu trí, nhanh nhẹn, chạy ra vườn, mở cổng thả hết trâu bò rồi đuổi cho chúng chạy tán loạn đồng thời la lớn: “ Bớ làng nước ơi, trâu sổng chuồng ăn lúa, ăn khoai”. Nghe vậy, bà con trong làng vội vàng chạy ra đồng, nhân lúc lộn xộn, các cán bộ của ta đều đã chạy thoát hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong thời gian hoạt động, vào ra ấp chiến lược, cũng có lần hai cha con bà bị bắt. Chứng kiến cảnh quân địch tra tấn cha đến mức mù mắt, bản thân mình cũng bị đưa đi nhiều nơi, bị tra tấn dã man, Ngô Thị Huệ lúc ấy càng nung nấu lòng căm thù, cô bé dũng cảm đã cắn răng chịu đau, không khai nửa lời. Chính lòng gan dạ, sự khôn ngoan, linh hoạt của Ngô Thị Huệ đã giúp bà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điệp báo viên nội thành Đà Nẵng từ năm 1963. Bác Hoàng Minh Thiện, Trưởng ban liên lạc An ninh Quảng Đà, trước đây từng làm điệp báo viên cùng đơn vị Ngô Thị Huệ đồng thời là người trực tiếp làm giấy tờ giả cho bà hoạt động nội thành những năm chống Mỹ ác liệt đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều kỳ niệm khi cùng hoạt động cách mạng với nữ anh hùng Ngô Thị Huệ trong những năm kháng chiến chống Mỹ:
Cô gái nhỏ bé mà can đảm Ngô Thị Huệ đã nhập đủ loại vai từ con buôn đến vợ lính, từ đứa trẻ con cho đến cô gái lẳng lơ để tiếp cận quân địch hoặc vượt qua các trạm gác mang tài liệu mật về cơ sở. Không chỉ là một nữ tình báo tài giỏi, Ngô Thị Huệ còn là một cán bộ xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, xây dựng chỗ đứng vững chắc, tuyệt đối trung thành; dẫn đường, đưa đón cán bộ cách mạng vào ra thành phố an toàn. Những năm tháng thanh xuân, người phụ nữ ấy đã hiến dâng cho cách mạng, cũng là thời điểm mà quân giặc thẳng tay đàn áp nhân dân ta. Chính sách tố cộng, diệt cộng được chúng thực hiện hết sức rầm rộ, dã man.
Đầu năm 1969, trong một lần đi cơ sở, Ngô Thị Huệ bị máy bay địch phục kích, một mảnh đạn găm vào đầu khiến bà thi thoảng bị lên những cơn động kinh liên tiếp, khó khăn khi nói chuyện suốt một thời gian dài. Cho đến hơn chục năm gần đây, khi mảnh đạn ấy được gắp ra khỏi cơ thể, bà mới có thể nói chuyện và đi lại dễ dàng hơn. Tận mắt chứng kiến cảnh Ngô Thị Huệ chống chọi với những cơn động kinh bất thình lình khi điều trị tại bệnh viện E, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trong một lần đến viện thăm các thương bệnh binh đã quyết định nhận bà làm con nuôi, đưa bà về săn sóc như con gái. Những ngày sống ở nhà bố Hoàn, bà cũng đã nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác đã dặn bà điều trị thật tốt, “nhất định bác cháu mình sẽ gặp lại nhau ở miền Nam...”. Trải qua hơn nửa thế kỷ, những cuộc gặp gỡ với Đại tướng vẫn còn in đậm trong lòng bà...Và lời hẹn gặp lại khi miền nam giải phóng như một lời thề thiêng liêng đối với mỗi người chiến sỹ cách mạng kiên trung ngày ấy.
Trong thời gian hoạt động, bà Ngô Thị Huệ bị địch bắt giam rồi lại thả không dưới chục lần. Chúng bắt bà nhưng không khai thác được gì, vài tháng hoặc 1 năm chúng lại thả ra. Năm 1957, bà bị địch bắt rồi bị di lý từ Hòa Ninh( Hòa Vang) về nhà lao Hiếu Đức, bị nhốt vào khu biệt giam. Bà kể, mọi đòn thù dã man của giặc bà đều đã can qua, từ tra tấn điện đến tạt nước vôi vào người; tàn bạo chúng cho hai tên lính cộng hòa uống rượu rồi thay nhau định làm nhục bà. Bà đã chống cự quyết liệt khiến chúng không thực hiện được hành vi xấu xa, tức giận hai tên lính quay sang dùng những đôi giày đinh đánh bà túi bụi...Chính sau trận đánh tàn ác ấy, nữ anh hùng Ngô Thị Huệ, lúc ấy vẫn còn là cô gái ngoài đôi mươi hồn nhiên, vui vẻ, chưa một lần yêu, đã vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ....Chúng tôi đã ngồi lặng đi rất lâu bên cạnh người phụ nữ đặc biệt trong căn nhà nhỏ của bà, mặc dù chúng tôi biết rằng sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu hết được những hy sinh, mất mát mà bà đã phải trải qua... Bởi những nỗi đau lớn thường lặng lẽ và kín đáo.
Khi chúng tôi bày tỏ, thực sự rất muốn biết điều gì đã khiến bà có thể vững vàng vượt qua mọi đòn tra tấn dã man của quân thù. Nữ anh hùng Ngô Thị Huệ đã chia sẻ:
Trong thời gian làm điệp báo viên nội thành, bà Ngô Thị Huệ nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó có những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhưng cùng với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, bà đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng:
Chuyện tình đẹp vượt lên những mất mát của chiến tranh
Có một nhà thơ đã nói rằng, những nỗi đau lớn thường lặng lẽ và kín đáo; những tình yêu lớn cũng vậy... Khi bắt đầu đặt bút viết về anh hùng Ngô Thị Huệ, chúng tôi thực sự cảm thấy khó khăn, không biết mình có thể viết điều gì về người nữ anh hùng dũng cảm, có thể viết điều gì về những mất mát đau đớn của bà ? Vết thương trên cơ thể có thể lành theo thời gian nhưng những vết thương lòng liệu thời gian nào có thể bù đắp, có thể nguôi ngoai...? Rồi chúng tôi đã được gặp ông... người chồng, người đồng đội, người bạn tri kỷ, chính tình yêu lớn lao của ông với bà đã khiến chúng tôi cảm thấy được an ủi phần nào khi nghĩ đến những tội lỗi của chiến tranh...
Lần đầu tiên bà Ngô Thị Huệ và chồng, ông Trần Việt Trí gặp nhau khi hai người đều bị giam cầm trong nhà tù. Chứng kiến cô gái với dáng người nhỏ bé phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn, có lúc phải lết về buồng giam chứ không gượng dậy được nhưng vẫn kiên quyết một lòng không khuất phục khiến ông Trí vừa thương xót vừa cảm phục. Hai người coi nhau như những người anh em. Ngày ấy, ông đã có vợ và hai người con trai. Vợ ông Trí cũng bị giam cùng bà. Năm tháng trôi qua, mỗi người một ngả, tham gia những công tác khác nhau. Họ không gặp lại. Đến năm 1969, khi bà Ngô Thị Huệ ra bệnh viện E chữa bệnh, còn ông Trí lúc ấy đang công tác tại viện, họ gặp lại. Mỗi lần tận mắt thấy cô Huệ lên cơn đau vật vã, ông rất thương, nhiều lúc không cầm được nước mắt. Khi ấy, vợ của ông cũng đã qua đời vì những vết thương thời chiến tranh, để lại hai đứa con thơ dại. Trong lòng ông Trí dấy lên tình cảm yêu thương, mong muốn che chở cho người con gái bé nhỏ bất chấp việc bà bị bệnh nặng:
Bà Huệ kể rằng, lúc nhận lời cầu hôn của ông Trí, bà rất băn khoăn, không biết thế nào. Liệu rằng mình có thể hạnh phúc với một người đàn ông thành phố hào hoa phong nhã, diện mạo cao lớn phong độ thế kia hay không nhưng rồi khi gặp hai đứa con trai mồ côi mẹ của ông, tình mẫu tử từ sâu xa trong trái tim người phụ nữ bất hạnh đã khiến bà muốn ở bên cạnh chúng, chăm sóc chúng suốt đời:
Khi bà Huệ đưa ông Trí về giới thiệu với bố nuôi, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, ông Hoàn đã không đồng ý, tỏ ý nghi ngờ vì ông Trí là người đàn ông đẹp trai phong độ hơn người. Bộ trưởng đã hỏi thẳng ông Trí rằng: “ Hoàn cảnh của cháu Huệ, cháu cũng biết nó bệnh tật còn không có khả năng làm mẹ, cháu có nghĩ mình sẽ đem lại hạnh phúc cho Huệ không?. Ông Trí lúc ấy đã trả lời câu hỏi của Bộ trưởng: “ Hoàn cảnh của cô Huệ cháu biết rõ, vì vậy cháu càng thương cô ấy hơn, mong muốn được ở bên, chăm sóc cho cô, những lúc ốm đau còn có nhau.”. Vẻ chân thành, mạnh mẽ của ông Trí từ giọng nói đến ánh mắt đã thuyết phục được cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Chính ông đã đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người ở Hà Nội đồng thời làm chủ hôn. Nhiều năm sống bên nhau hạnh phúc và yêu thương, tình yêu của ông bà trở thành câu chuyện cảm động của nhiều lớp con cháu về sau. Với bà Huệ, ông Trí là người chồng tuyệt vời, luôn yêu thương chia sẻ với bà. Còn với ông Trí, bà Huệ là người vợ, người con dâu, người mẹ nhân hậu, luôn hết lòng vì gia đình, ngay cả những lúc khó khăn vất vả. Các con trai của ông đã lớn lên cùng tình yêu thương của bà.
Khi chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông bà, người dân xung quanh chỉ đường rất tận tình. Ai cũng biết câu chuyện về gia đình bà, ai cũng quý mến tôn trọng. Ngôi nhà của ông bà chỉ cách bờ biển Mỹ Khê khoảng 10 phút đi bộ, bà kể bây giờ cứ chiều chiều, hai ông bà lại cùng đi dạo ra bãi biển cũng là tập thể dục luôn. Các con sống trong nội thành thì cuối tuần dẫn các cháu về chơi, mua đồ ăn để chật tủ. Bà bảo, với bà, thế là đủ.
Chúng tôi rời ngôi nhà của anh hùng Ngô Thị Huệ và cứ nhớ mãi bức ảnh đen trắng thời con gái của bà. Trong bức ảnh ấy, cô gái Ngô Thị Huệ mới ngoài đôi mươi, vận áo dài trắng, tóc dài buộc gọn kiểu con gái thành thị, đang cầm điếu thuốc hút, vẻ kiêu sa rất tự nhiên... Bà bảo, đó chính là hình ảnh bà thời đang hoạt động nội thành và bức ảnh ấy do chính tình báo Mỹ chụp. Vâng ! Chiến tranh là bất hạnh, chiến tranh là đau thương mất mát. Không ai mong muốn có chiến tranh. Hơn bao giờ hết, những câu chuyện có thật của anh hùng Ngô Thị Huệ đã nhắc nhở chúng tôi về giá trị lớn lao của cuộc sống hòa bình trong hiện tại. Bởi hòa bình ấy được đánh đổi bằng nước mắt, bằng xương máu của biết bao thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu vì tự do, độc lập. Những chiến công, những sự hy sinh có tên và không tên của họ mãi mãi là những bài ca không thể nào quên.
(ANTV) - Cuối tháng 10, Temu quảng bá mạnh mẽ tại Việt Nam với các ưu đãi đến 90%, giao diện Việt hóa, và cam kết giao hàng trong 4 - 7 ngày. Kho hàng phong phú, giá cạnh tranh, cùng chiến dịch quảng bá lớn giúp Temu thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng.
(ANTV) - Ngày 28/10, Công an tỉnh Lạng Sơn triệt phá một vụ đánh bạc với quy mô lớn tại huyện Văn Lãng, bắt giữ hơn 30 đối tượng trú tại nhiều tỉnh thành. Sới bạc hoạt động tinh vi, ẩn mình trong ngôi nhà giăng thép có hệ thống đường hầm kiên cố. Vụ việc khiến dư luận xôn xao bởi tính chất phức tạp và các phương thức tinh vi đối phó với lực lượng chức năng.
(ANTV) - Thời gian qua, ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, các đơn vị địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình, phong trào xã hội tình nguyện chung sức vì cộng đồng. Qua đó, đã hỗ trợ nhiều gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, cũng như cung cấp nguồn máu cấp cứu cho các bệnh viện. Mô hình “Chiến sỹ đỏ tình nguyện” Công an tỉnh Đắk Nông là một trong những mô hình tiêu biểu. Mới đây, Công an huyện Krông Nô đã cung cấp tiểu cầu, cứu hai cháu nhỏ đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
(ANTV) - Liên hoan Truyền hình, Phát thanh CAND lần thứ XIV là sự kiện quan trọng với chủ đề "Chuyển đổi - Sáng tạo, bứt phá" thu hút hơn 700 tác phẩm từ 70 đơn vị trên cả nước.
(ANTV) - 26 tuổi trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam; từng là đại biểu dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam năm 2020, đại biểu tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, năm 2022; Phan Đức Lộc nổi tiếng trong làng văn chương bởi sức viết và tài năng thiên bẩm của một cây bút trẻ. Cho đến nay, anh đã có khoảng 500 tác phẩm thơ, truyện ngắn, tản văn, lý luận phê bình văn học, bài báo đăng tải trên các báo và tạp chí; 9 đầu sách là các tập truyện ngắn, tập tản văn... được in riêng. Đặc biệt, Phan Đức Lộc là nhà văn trẻ hiếm hoi khi có tới 2 hai tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 từ năm học 2024-2025. Tuy nhiên, ít người biết nhà văn Phan Đức Lộc mang quân hàm Thượng uý. Anh là cán bộ công an thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
(ANTV) - Trong quá trình làm nhiệm vụ trên quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, các chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Nông đã kịp thời đưa một người phụ nữ bị nhồi máu cơ tim đi cấp cứu tại bệnh viện.
(ANTV) - Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông một cách bền vững, lực lượng CSGT Tuyên Quang đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức nội dung tuyên truyền về các quy trong của pháp luật trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
(ANTV) - Từ nay đến cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh, đây cũng là lúc hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp.
(ANTV) - Là đơn vị vinh dự được trực tiếp bảo vệ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến công tác tại địa phương và nước ngoài; trong các hoạt động, sự kiện quan trọng của đất nước; bảo vệ nơi ở thường xuyên và nơi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, CBCS Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nén đau thương, với tấm lòng tri ân, thành kính đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ Quốc tang.
(ANTV) - Trong lực lượng Cảnh vệ, cùng với sĩ quan bảo vệ tiếp cận, còn có 02 đơn vị vinh dự, may mắn được làm việc và thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là Trung đoàn 600 và Phòng Bảo vệ Trụ sở Trung ương Đảng và Quốc hội - 02 đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ nơi ở thường xuyên và nơi làm việc của Tổng Bí thư. Với những CBCS công tác tại 2 đơn vị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị lãnh đạo mộc mạc, gần gũi, giản dị.