Các nhóm tội phạm mua bán người ở Hà Giang hiện nay đều có sự liên kết với các đối tượng bên kia biên giới, đó có thể là phụ nữ người Việt lấy chồng Trung Quốc hay những người Mông sống ở vùng ngoại biên, cấu kết với các đối tượng sâu trong nội địa để đưa người gả bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ hoặc bán vào các điểm tệ nạn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn mua bán người ở Hà Giang vẫn tiếp diễn là nhận thức của phụ nữ trẻ đồng bào dân tộc ở các huyện vùng cao biên giới còn hạn chế, dễ dàng sa vào những lời rủ rê vượt biên trái phép. Phàn Thị Hoa- thiếu nữ người dân tộc Dao sinh năm 2005 ở xã biên giới của huyện Yên Minh là một nạn nhân bị lừa bán như vậy: "khi đi thì Mua nói là đi sang Trung Quốc làm thuê, em nói không đi thì Mua nói là lần này không đi thì lần sau không gọi nữa thì nghĩ đi nghĩ lại mới đi thôi. Lúc đi thì có Mua có Tủa, được một đoạn rồi không thấy họ đâu cho nên cháu đi một mình qua biên giới, Mua lại gọi điện là Mua ở Trung quốc rồi, cháu cứ sang thực ra là Mua lừa cháu chứ nó về Việt Nam rồi".
Đấu tranh với tội phạm mua bán người đã khó càng khó hơn khi tội phạm như “tàng hình” trên mạng intenet và cả “tàng hình” bởi sự thiếu cảnh giác của đồng bào, sự thờ ơ, buông lỏng của bố mẹ với các cháu vị thành niên. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở vùng cao của Hà Giang không biết con sử dụng số điện thoại nào, hay lập nick zalo, fb nào... Khi con mất tích đi trình báo thường không cung cấp được cho cơ quan chức năng về các mối quan hệ liên hệ, bạn bè của con để phục vụ công tác điều tra.
Thống kê của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang, hiện hội đang phối hợp giúp đỡ 14 nạn nhân bị lừa bán tái hoà nhập cộng đồng với sự hỗ trợ của tổ chức Rồng Xanh. Hiện nay Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng phối hợp với một số địa phương để thành lập mô hình “Ban chỉ đạo phòng chống mua bán người” cấp xã ở xã Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn) và 3 xã của huyện Mèo Vạc là: Khâu Vai, Giàng Chu Phìn và Thượng Phùng. Cả 7 huyện vùng cao biên giới mới có 4 mô hình phòng chống mua bán người cấp xã. Một con số đáng phải suy nghĩ, cũng dễ hiểu khi những nạn nhân chúng tôi đã gặp chia sẻ trước khi bị lừa bán không nghe nói gì về tội phạm mua bán người, chỉ khi được giải cứu về Việt Nam rồi mới được dặn “không được đi đâu một mình với người lạ”…
Theo Thượng tá Bùi Văn Huân- Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm khác, Bộ đội biên phòng Hà Giang, trong tình hình tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi, đa dạng và tận dụng công nghệ cao để hoạt động, công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người không thể chỉ hướng đến nhóm đối tượng là phụ nữ, trẻ em mà cần tuyên truyền rộng khắp cho đồng bào- ngăn chặn những người có ý định tham gia hoạt động mua bán người "tuyên truyền về tội phạm mua bán người cần làm liên tục thường xuyên chứ không thể làm theo đợt, theo chiến dịch, tội phạm sử dụng công nghệ, mạng xã hội để hoạt động nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết tác dụng của mạng xã hội để tuyên truyền về phòng chống mua bán người. Các tổ chức cũng có mạng, nhóm đấy nhưng chưa có sự liên kết thống nhất để tăng hiệu quả..."
Trung tá Phạm Ngọc Quỳnh- Điều tra viên Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang cũng bày tỏ, sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu cảnh giác không chỉ dẫn đến phụ nữ, trẻ em thành nạn nhân của bọn buôn người mà còn là người dân vì kiếm tiền, vì cuộc sống khó khăn sẽ tham gia hoạt động mua bán người. Ngăn chặn nạn mua bán người, không chỉ tuyên truyền về thủ đoạn lừa gạt của tội phạm mà còn cần làm sao cho đồng bào hiểu về những quy định pháp luật đối với tội danh này. Cũng theo Trung tá Quỳnh, khi việc quản lý đường biên với Trung Quốc chặt chẽ hơn, số vụ việc xuất nhập cảnh trái phép được kéo giảm rõ rệt. Song hiện nay không tránh khỏi nguy cơ các đối tượng tổ chức lừa gạt phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài theo còn đường “hợp pháp”, như vậy công tác đấu tranh phòng chống càng khó hơn "dự báo tội phạm mua bán người có thể tinh vi hơn, tội phạm có thể lách luật để đưa nạn nhân đi theo con đường hợp pháp như làm sổ thông hành xuất cảnh hợp pháp- sổ đi chợ ở bên kia biên giới theo tuần hoặc đi trong ngày, hoặc là tổ chức nạn nhân đi theo con đường du lịch..."
Phòng chống tội phạm mua bán người qua biên giới ở Hà Giang có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện dài, chưa thể có lời kết. Đường phòng vệ biên giới Việt – Trung qua Hà Giang và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc vẫn sáng đèn mỗi khi đêm về, song đường rào ấy liệu có chắn hết được những con đường lừa bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới? Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, tạo cơ hội cho bọn tội phạm “tàng hình”, khi vẫn còn những người dân vùng cao hiểu biết mơ hồ về luật pháp rồi bị dụ dỗ vào hành trình lừa bán chính người thân quen trong gia đình, khi vẫn còn những thiếu nữ nhẹ dạ bị sa bẫy tình của kẻ buôn người hay hy vọng cơ hội đổi đời nơi xứ lạ…